Hiện tại, mực nước lũ của các
huyện đang xuống dần và cũng là thời điểm nông dân tất bật chuẩn bị khâu
làm đất, lúa giống… sẵn sàng phục vụ cho vụ đông xuân 2013 - 2014. Đây
là vụ lúa chủ lực trong năm nên được bà con nông dân và các ngành chuyên
môn đặc biệt quan tâm. Dự kiến vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh sẽ xuống
giống khoảng 206 ngàn ha, trong đó diện tích sản xuất liên kết gắn với
tiêu thụ là 33.650ha, ước tính năng suất bình quân đạt 1,48 triệu tấn.
Theo các ngành chuyên môn, nhu cầu sử
dụng lúa giống xác nhận vụ đông xuân năm nay khoảng 12.500 tấn, nhưng
khả năng cung cấp trong tỉnh chỉ khoảng 7.700 tấn, số lượng giống còn
lại nông dân tự mua bán và trao đổi. Đối với tình hình sản xuất lúa năm
nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)khuyến khích
nông dân nên sử dụng giống lúa chất lượng cao chủ lực như: Jasmine 85,
VD 20, OM 2514, OM 4218, OM 6976, OM 5451... và một số loại giống triển
vọng, bổ sung khác. Đây là những loại lúa có năng suất cao, ổn định, đáp
ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ, chống chịu tốt với một số đối
tượng sâu bệnh và đặc biệt thích nghi với điều kiện đất ở nhiều địa
phương.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT còn khuyến
cáo các huyện, thị, thành phố cần xác định bộ giống cho sản xuất lúa của
địa phương mình gồm 3 - 4 giống chủ lực, 3 - 4 giống bổ sung và có từ 2
- 3 giống triển vọng. Song song đó, để đảm bảo trong khâu cung cấp các
loại lúa giống đạt tiêu chuẩn, vật tư nông nghiệp đạt chất lượng cho
nông dân, Sở NN&PTNT còn chỉ đạo các ngành chuyên môn liên quan cần
tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ sở sản xuất kinh doanh
lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm hạn chế tình trạng lạm
dụng, tăng giá, bán hàng không đúng chất lượng, kém phẩm chất, xử lí
nghiêm các trường hợp vi phạm. Thường xuyên tổ chức các điểm khảo
nghiệm, phục tráng, chọn giống lúa kháng sâu bệnh, có năng suất, chất
lượng cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh. Các huyện, thị,
thành phố cần chủ động xây dựng, phát triển thêm các tổ hợp tác, câu lạc
bộ, hợp tác xã sản xuất lúa giống, đảm bảo đủ lượng giống, phục vụ sản
xuất ở địa phương.
Về công tác tham mưu chuyên môn, Sở
NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật cần tăng cường công tác dự
tính, dự báo tình hình dịch bệnh, hướng dẫn kịp thời cho nông dân các
biện pháp phòng trừ hiệu quả. Ứng dụng công nghệ GIS trong dự báo tình
hình sâu bệnh. Phân công cán bộ bám sát địa bàn, theo dõi tình hình sâu
bệnh, nhất là với rầy nâu bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn... để
chủ động đối phó với các tình huống bất lợi có thể xảy ra. Bên cạnh đó,
cơ quan cần phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến Ngư, Phòng
NN&PTNT các huyện, thị, thành phố triển khai nhân rộng mô hình công
nghệ sinh thái, kết hợp dùng nấm xanh và phát triển cánh đồng liên
kết...
Đồng thời, Sở NN&PTNT cũng đề nghị
các đơn vị liên quan như: Trung tâm giống nông nghiệp, Trung tâm Khuyến
nông - Khuyến ngư, Chi cục thủy lợi, Chi cục phát triển nông thôn, Phòng
NN&PTNN, Phòng Kinh tế các huyện, thị, thành phố... cần phối hợp
tốt trong công tác chuyên môn để thực hiện thành công các chỉ tiêu, kế
hoạch sản xuất vụ lúa đông xuân năm 2013 - 2014, góp phần hoàn thành kế
hoạch sản xuất của ngành nông nghiệp năm 2014.
Mỹ Lý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét