Trang

28/12/13

Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh

11:22 PM, 27-12-2013
Trong 02 ngày 26 và 27/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá IX đã tổ chức Hội nghị lần thứ 14. Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND Tỉnh Lê Minh Hoan đã có bài phát biểu, trong đó phân tích, làm rõ, gợi mở và định hướng nhiều vấn đề quan trọng có tác động đến sự phát triển của tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới. Cổng Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu trên.
Kính thưa Ban Chấp hành!
Kính thưa các đồng chí khách dự!
Thưa các đồng chí!
Tôi xin tham gia phát biểu một số suy nghĩ của mình trong hội nghị cuối cùng trong năm này.
Thưa các đồng chí!
Tôi vừa kết thúc 4 tháng tham dự Lớp Bồi dưỡng tại Hà Nội. Như vậy, 1/3 thời gian trong năm, tôi không trực tiếp điều hành công việc của UBND Tỉnh. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó là dịp tôi được tiếp cận những quan điểm mới, thông tin mới, cọ xát với các học viên từ nhiều bộ, ngành và địa phương khác. Qua đó, tôi rút ra được nhiều vấn đề bổ ích, thiết thực, kết hợp những vấn đề thực tiễn của địa phương, trong đó có Chương trình hành động năm 2014 chúng ta thảo luận tại Hội nghị này.
Trước hết, thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND Tỉnh, tôi xin tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đồng chí trong thảo luận về KTXH và sẽ đưa vào kế hoạch năm 2014 những vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời sẽ tiếp tục kiến nghị những vấn đề thuộc về Trung ương. Nhưng, tôi cũng thấy rằng nhiều vấn đề thuộc về trách nhiệm của chính cấp huyện, của sở, ngành. Điều đó cho thấy hình như trong nội bộ chúng ta còn nhầm lẫn nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp. Đây là vấn đề sẽ phải được làm rõ trong cải tiến lề lối làm việc, phân công, phân cấp, phân nhiệm giữa 3 cấp trong thời gian tới. Tôi cũng thấy rằng, kinh tế thị trường, vai trò của chính quyền đối với sản xuất kinh doanh, đối với doanh nghiệp, thậm chí đối với một số vấn đề xã hội như giáo dục chưa được thẩm thấu trong chúng ta, từ đó có sự nhầm lẫn vai trò của chính quyền trong quản lý điều hành.
1. Về phát triển kinh tế mà trọng tâm là Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong năm qua và nửa đầu nhiệm kỳ, với bối cảnh khó khăn chung, chúng ta không tránh khỏi những hệ luỵ. Dù bất kỳ lý do khách quan nào, kinh tế chúng ta cũng đã gặp khó, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch năm 2013, vừa cho việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ lần thứ IX. Khoảng nửa nhiệm kỳ còn lại, khi khó khăn còn đó, chúng ta phải hành động thế nào để có thể bù lại những hụt hẫng, vượt qua thách thức? Đây là câu hỏi không dễ trả lời!
Tôi xin bắt đầu từ nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Chúng ta đang triển khai những bước cuối cùng để hoàn thành Đề án. Tôi và các đồng chí trong UBND Tỉnh cũng cảm nhận và chia sẻ những ý kiến của một số đồng chí còn băn khoăn về định hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp của Đề án. Cũng có một số ý kiến cho rằng, Đề án vẫn chưa tạo được niềm tin về sự đột phá trong ngành nông nghiệp của chúng ta.
Thưa các đồng chí! Chúng ta có niềm tin và tham vọng, nhưng chúng ta cũng cần nhìn lại thực trạng xuất phát và nguồn lực, mức độ sẵn sàng của người sản xuất, của doanh nghiệp, sự bất ổn của thị trường nông sản thế giới và kể cả tư duy, năng lực của chúng ta. Tôi cho rằng, đây không chỉ là Đề án thuần túy dưới góc độ chuyên môn trong ngành nông nghiệp, góc độ cung - cầu trong kinh tế, mà còn tổng hòa nhiều vấn đề về tâm lý xã hội, tập quán sản xuất và sự tiếp cận của cả hệ thống chính trị.
Linh hồn cốt lõi của Đề án tái cơ cấu dựa vào 2 yếu tố về "hợp tác" và "liên kết", hợp tác giữa những người sản xuất và liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp cung ứng đầu vào với doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra. Hai yếu tố này là điểm nghẽn lớn nhất cho bài toán nông nghiệp hiện nay. Và, nó nằm ngoài khả năng chủ quan của chúng ta. Những giải pháp về quy hoạch phân vùng sản xuất, về KHCN, về xây dựng thương hiệu, về đầu tư kết cấu hạ tầng, về thị trường,...  bằng nguồn lực vật chất chúng ta có thể vượt qua được. Nhưng, tính hợp tác và liên kết lại thuộc về vấn đề tâm lý, tập quán xã hội, không thể ngày một, ngày hai là có được, không thể không có tác động mà tự dưng có được. Đó là trách nhiệm của cả hệ thống của chúng ta nhằm nâng cao tính hợp tác trong nông dân từ hình thức bậc thấp đến bậc cao, nhằm tạo được sự sẵn sàng và lòng tin để liên kết được giũa người sản xuất với doanh nghiệp trong từng chuỗi ngành hàng. Cánh đồng liên kết hiện nay chỉ là những bước đi đầu tiên, còn rất nhiều việc phải làm, nhiều giai đoạn phải trải qua, tiến từng bước, nâng dần từng cấp độ, nhiều cơ chế chính sách sẽ được kiến nghị Trung ương để tạo ra sự thay đổi trong nông nghiệp chúng ta. Chúng ta phải vừa kiên trì theo đuổi mục tiêu trong dài hạn, nhưng đồng thời phải linh hoạt trong từng giai đoạn ngắn hạn.
Nhân đây, có đồng chí chia sẻ với chúng tôi rằng, hình như chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn và đơn vị tư vấn xây dựng Đề án. Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng, Đề án là của chúng ta, phục vụ cho mục tiêu của chúng ta, nó được kết tinh từ tư duy, tầm nhìn, tính khoa học của đội ngũ chuyên gia với cách nhìn từ góc độ thực tiễn của từng sở, ngành, địa phương của chúng ta. Không được xem đây là công việc của tư vấn, sở ngành chỉ đứng ngoài để góp ý. Những vấn đề Đề án đưa ra, ngay bây giờ, từng cơ quan chuyên môn phải hình dung ngay mình phải làm gì, làm thế nào, bộ phận nào sẽ trực tiếp triển khai. Những vấn đề về hỗ trợ nâng cao chất lượng các hình thức kinh tế hợp tác, phân vùng sản xuất, phát triển các cụm công nghiệp - dịch vụ chế biến, xây dựng chương trình nghiên cứu và phát triển thị trường, định hình lại tổ chức bộ máy của ngành nông nghiệp, thành lập hiệp hội ngành hàng,... là những việc chúng ta có thể bắt tay làm ngay.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, khắc phục những hạn chế trong xây dựng, thẩm định, ban hành và triển khai thực hiện các đề án là một trong những yêu cầu đổi mới lề lối làm việc và phải được thực hiện ngay trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp này. Thành công của Đề án không chỉ phụ thuộc vào những vấn đề đặt ra trong Đề án, mà được quyết định ngay từ lúc phối hợp xây dựng và triển khai Đề án. Chúng ta phải từ bỏ suy nghĩ rằng các Đề án là của chính quyền, một khi không đưa đề án này đến 2 chủ thể chính là người sản xuất và doanh nghiệp chúng ta sẽ thất bại bất kể đề án có mục tiêu tốt đẹp đến đâu, đột phá đến đâu. Và, điều cuối cùng, Đề án chỉ mới là cái khung tổng quát, UBND Tỉnh sẽ chỉ đạo xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, hợp phần cụ thể có sự tham gia của các ngành, các cấp, nhiều nhóm nghiên cứu.
Đối với chương trình nông thôn mới, qua thảo luận và nhiều ý kiến, tôi thấy rằng chúng ta đã từ chỗ đặt nhiều kỳ vọng, hồ hởi đến thận trọng, băn khoăn, thậm chí có những hoài nghi nhất định. Theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức cuộc họp để kiểm điểm tiến độ, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2014 - 2015. Tôi đề nghị các đồng chí cấp uỷ viên được phân công phụ trách các xã nông thôn mới sớm xuống địa bàn phụ trách để tìm hiểu tình hình, chuẩn bị cho cuộc họp sắp tới.
2. Về đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng
Thưa các đồng chí! Đại hội Tỉnh Đảng bộ khoá IX đã xác định: "...quan tâm đầu tư hạ tầng thương mại dịch vụ, tạo điều kiện cho du lịch phát triển nhanh sau năm 2015...". Qua nhiều hội nghị gần đây, có ý kiến cho rằng việc triển khai kế hoạch phát triển du lịch là chậm, tôi hoàn toàn chia sẻ với trăn trở đó. Có thể thấy rằng tài nguyên du lịch của chúng ta không kỳ vĩ, không có tầm thế giới, song vẫn có nét độc đáo, đặc thù riêng, bổ sung và làm phong phú thêm du lịch sông nước cả vùng ĐBSCL. Trước năm 2010, du lịch Đồng Tháp vẫn là tự phát, tự mày mò, thiếu chuyên nghiệp, thiếu kết nối tour tuyến với các tổ chức du lịch lữ hành, kết cấu hạ tầng còn rời rạc, chưa có tác dụng hỗ trợ cho ngành du lịch. Nguyên nhân chủ quan là thiếu quan tâm, định hướng của Tỉnh, bộ máy quản lý nhà nước về du lịch còn yếu và thiếu, năng lực của các cơ sở du lịch yếu. Nói cách khác, hình ảnh du lịch Đồng Tháp còn mờ nhạt trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Trong 2 năm gần đây, có thể thấy rằng lĩnh vực du lịch đã có chuyển động nhất định. Bộ máy quản lý đã được củng cố, đã tổ chức nhiều sự kiện quảng bá hình ảnh địa phương, định hướng phát triển với tầm nhìn dài hạn và bước đi ngắn hạn, sản phẩm du lịch, phân khúc thị trường khách du lịch, công tác quảng bá, tiếp thị đã được thông qua, đã mở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, vai trò của du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội được các ngành, các cấp đồng thuận hơn, hình ảnh du lịch Đồng Tháp được xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn nhiều lúng túng trong triển khai thực hiện. Năng lực, tầm nhìn của cơ quan tham mưu còn hạn chế, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, giữa cơ quan quản lý và các đơn vị quản lý trực tiếp các cơ sở du lịch còn thiếu chặt chẽ, cơ chế quản lý của một số đơn vị chủ quản cơ sở du lịch còn bất cập với yêu cầu chung của cơ chế thị trường.
Thưa các đồng chí! Để du lịch "Đồng Tháp - thuần khiết như hồn sen" trở thành ngành kinh tế quan trọng, có thể đóng góp nhiều hơn cho tổng thu nhập của Tỉnh, chúng ta còn nhiều việc phải làm, có những việc phải bắt đầu từ bộ máy tham mưu, từ chiến lược dài hạn đến kế hoạch ngắn hạn, từ chiến lược tổng thể cả Tỉnh đến kế hoạch cụ thể của từng cơ sở du lịch, từ sự phân định trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng ngành, từng cấp. Chuyển từ xem du lịch đang quản lý như một bộ phận trong nội ngành văn hoá thành một ngành kinh tế mà lại là "kinh tế quan trọng" quả là không dễ, phải có sự thay đổi lớn trong tư duy và cách làm mới. Nhưng với những bước đã đi, với sự chuẩn bị cho 2 năm 2014, 2015, với sự đồng thuận cao của Ban Chấp hành, tôi tin rằng du lịch sẽ có bước phát triển mạnh mẽ sau năm 2015 như Nghị quyết ĐH Đảng bộ IX đã xác định.
3. Về xây dựng chính quyền cơ sở gần dân với mục tiêu nâng cao chất lượng bộ máy cấp xã.
Rất vui là gần đây nhiều mô hình, nhiều cách làm tuy còn cần chăm chút nhiều hơn, nhưng đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao từ người dân và phương tiện thông tin đại chúng. Có nhiều mô hình mới như: "Nụ cười công sở" của xã Tân Quy Tây, TP Sa Đéc; mô hình "Đánh giá trực tuyến sự hài lòng của người dân" đối với công chức của TP Cao Lãnh; mô hình "3 trong 1" ở xã Mỹ Tân, cũng ở TP Cao Lãnh; mô hình "Ngày thứ sáu nghe dân nói" ở xã Tân Thạnh, Thanh Bình, và chắc chắn còn nhiều cách làm hay ở nơi này, nơi khác. Những tín hiệu đó cho thấy chủ trương cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc từ ý chí của lãnh đạo Tỉnh đã trở thành ý thức và được lan toả đến tận cơ sở. Những cách làm đó cho thấy có sự tự tìm tòi, tự tin, năng động, không chờ cấp trên "cầm tay chỉ việc" của những lãnh đạo cấp cơ sở.
Chúng ta đã có những quy định về người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền định kỳ đối thoại với đảng viên, với nhân dân. Theo luật định, chúng ta cũng có các cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ của các đại biểu dân cử. Như vậy, chúng ta có cần thêm nhưng cuộc gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân nữa không?. Cuộc sống vận động không ngừng, sự việc thay đổi nhanh chóng, nhu cầu và bức xúc của người dân thì diễn ra hàng ngày. Những vấn đề từ thực tiễn thay đổi không phải hàng quý, hàng tháng, mà là hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Những vấn đề đó không chờ đến những cuộc đối thoại "định kỳ" của chúng ta. Vậy, những đổi mới cách nghĩ, sáng tạo cách làm mới đó đáng trân trọng, đáng cổ vũ và làm cho lan toả đến tất cả các cấp cơ sở. Chính những tín hiệu vui đó đã kích thích lãnh đạo chúng ta phải thay đổi nhanh hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa. Đó chính là mục tiêu xây dựng một "chính quyền phục vụ", "lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo sự hài lòng của xã hội về chất lượng, hiệu quả của bộ máy chính quyền". Đây là cơ hội để chúng ta nâng cao chỉ số quản trị điều hành và hành chính công (PAPI) còn đang thấp của chúng ta, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cấp cơ sở, một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trong thảo luận, đa số các đồng chí tán thành với mô hình này, song, hình như có đồng chí cò e dè, do dự và đề nghị không nên dùng cụm từ "mô hình Tân Thạnh". Tôi cho rằng quan trọng không phải là địa danh, mà là cách nghĩ, cách làm, chúng ta hy vọng rằng, sắp tới không chỉ có Tân Thạnh mà còn nhiều xã, phường, thị trấn có cách làm tốt hơn Tân Thạnh. Một bộ máy chỉ năng động khi mọi thành phần năng động. Hệ thống chúng ta rất cần những sự năng động như vậy!
4. Công tác giải quyết các vụ khiếu nại tồn động, kéo dài.
Tỉnh uỷ vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo số 130-TB/TW của Bộ Chính trị khoá X về giải quyết khiếu nại tố cáo. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Ban Cán sự Đảng UBND Tỉnh đã lãnh đạo UBND Tỉnh chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp tập trung giải quyết từng vụ việc và đạt đước một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại vẫn còn tiềm ẩn những phát sinh khó lường và ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định và phát triển của địa phương.
Thưa các đồng chí! Gần đây, tại nhiều diễn đàn, một số đồng chi lãnh đạo ngành, địa phương tỏ ra băn khoăn khi UBND Tỉnh giải quyết một số vụ việc, các đồng chí cũng lo lắng khi dỡ ra giải quyết những vụ việc nhiều năm sẽ dẫn đến tình trạng "dắt dây", "giũ rối" sẽ gây phức tạp thêm tình hình trật tự địa phương, làm tăng sự so bì của người đã chấp hành quyết định.
Tôi hiễu sự lo lắng đó và thật sự điều đó cũng có xảy ra. Nhưng liệu chúng ta có thể tiếp tục từ chối giải quyết khi mà Trung ương yêu cầu, khi mà theo báo cáo của Thanh tra Tỉnh và các ngành chuyên môn, thì hầu như vụ việc nào, không nhiều thì ít chúng ta đều có những sai sót về trình tự, thủ tục, nhất là những vụ việc phải cưỡng chế, tạm giam, tạm giữ? Có những sai sót do cơ chế chính sách thay đổi, có những sai sót do vận dụng văn bản pháp luật sai thời điểm, chưa thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ, có những sai sót do thiếu chặt chẽ quy trình... Tất nhiên, tình hình phức tạp hiện nay còn có sự cố chấp, thiếu hiểu biết pháp luật của một số người khiếu nại, có sự liên kết, lôi kéo, tác động của nhiều đối tượng khác. Để giải quyết cơ bản vấn đề phức tạp này rất cần sự đồng thuận từ trong nội bộ, đồng thuận giữa trên và dưới khi xem xét giải quyết từng vụ việc.
Nhân hội nghị này, tôi đề nghị các đồng chí Bí thư cấp uỷ quan tâm nhiều hơn đến công tác phức tạp này. Chúng ta không thể tiếp tục né tránh, đùn đẩy mà cần nhìn thẳng vào những sai sót để có định hướng giải quyết thấu tình, đạt lý, khẩn trương trong từng vụ việc. Đã có sự chuyển hướng khiếu nại từ đòi hỏi về quyền lợi kinh tế sang những vấn đề an ninh trật tự xã hội, thậm chí có khả năng trở thành vấn đề chính trị không chỉ của địa phương mà cả ở bình diện quốc gia. Theo Trung ương, khiếu nại tố cáo kết hợp với dân tộc, tôn giáo là 3 vấn đề thế lực thù địch đang lợi dụng để tạo cớ chống phá chúng ta và còn nhiều diễn biến phức tạp, rất mong các đồng chí cùng chia sẻ, đồng thuận với UBND Tỉnh trong thời gian tới.
5. Về thay đổi cách đánh giá theo "chiều dọc" sang đánh giá theo "chiều ngang" để định vị chúng ta đang ở đâu.
Khi tiếp đồng chí Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch Nước, đồng chí có lưu ý rằng người lãnh đạo địa phương phải biết chuyển từ so sánh theo chiều dọc sang so sánh theo chiều ngang. Điều đó có nghĩa là, chúng ta thể không tự bằng lòng với cái hôm nay so với cái hôm qua, mà chúng ta hay dùng từ "năm sau cao hơn năm trước", "năm nay có tiến bộ thêm một bước", mà phải sử dụng phương pháp định lượng cụ thể để so sánh với các địa phương khác. Khi so sánh như vậy chúng ta định vị được mình đang ở đâu, mức độ nào, để chúng ta không tự bằng lòng, mà có ý chí mạnh mẽ hơn, hành đồng quyết liệt hơn, thấy rằng mình còn nhiều việc cần làm hơn. Chúng ta đang ngồi đây để bàn bạc, thảo luận, định hướng cho sự phát triển của địa phương mình thì các địa phương khác cũng đang làm như vậy, chúng ta tiến thì người khác cũng tiến, và có thể tiến nhanh hơn chúng ta. Người dân vừa đòi hỏi cuộc sống ngày càng tốt hơn, nhưng người dân cũng sẽ không hài lòng khi thấy cuộc sống của người dân địa phương khác có cuộc sống tốt hơn.
Thưa các đồng chí!
Khởi công cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh chắc chắn sẽ được xếp vào một trong những sự kiện nổi bật nhất của Tỉnh trong năm 2013. Hai chiếc cầu quan trọng này là những "miếng ghép" cuối cùng để nối liền đôi bờ Đồng Tháp, để kết nối chúng ta với các vùng, miền của đất nước. Điều đó có cho phép chúng ta tự tin rằng Đồng Tháp không còn "khuất nẻo" nữa không? Theo tôi, đó mới chỉ là "điều kiện cần" chứ chưa phải là "điều kiện đủ". Để "Đồng Tháp - thuần khiết như hồn sen" trở thành hình ảnh đầy sức sống chúng ta còn nhiều việc phải làm. Chúng ta phải biết chắt chiu từng cơ hội,  khơi dậy từng tiềm năng, mở đường cho từng ý tưởng mới. Tất cả điều đó sẽ đặt gánh nặng lên vai của những người lãnh đạo từng ngành, từng cấp; điều đó phụ thuộc vào sự thay đổi của tất cả chúng ta.
Thưa các đồng chí! Phần phát biểu của tôi hơi dài, nhưng đó là bù lại phần phát biểu trong Hội nghị Ban Chấp hành lần trước, mong các đồng chí thông cảm!
Cuối cùng, còn vài ngày nữa chúng ta bước vào năm mới, thay mặt Ban Cán sự UBND Tỉnh xin chúc các đồng chí một năm mới với niềm tin mới, khát vọng mới và thành công mới!
Xin cám ơn tất cả các đồng chí!
Lê Minh Hoan
Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét