Các vùng đất trồng lúa khó khăn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu hướng mở rộng diện tích và gia tăng mức độ khó khăn trong tương lai. Vạch ra chiến lược là yếu tố quan trọng cho việc lai tạo các giống lúa cho vùng khó khăn, đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng trong điều kiện nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm, suy thoái.
CÁC LOẠI ĐẤT KHÓ KHĂN VÀ XU HƯỚNG BIẾN ĐỔI
Đất phèn (1,4 triệu ha): Các loại đất này được đặc trưng bởi độ axit cao, nồng độ độc tố nhôm tiềm tàng cao và thiếu lân. Nhóm đất này cũng bao gồm cả các loại đất phèn nhiễm mặn nặng và trung bình. Các loại đất phèn tập trung tại Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, còn các loại đất phèn mặn tập trung tại vùng trung tâm bán đảo Cà Mau.
Đất nhiễm mặn (0,75 triệu ha): Các loại đất này chịu ảnh hưởng của nước mặn trong mùa khô và khó có thể được cung cấp nước ngọt. Hiện nay lúa được trồng vào mùa mưa và ở một số khu vực người dân nuôi tôm trong mùa khô.
Các loại đất khác (0,35 triệu ha): Gồm đất than bùn ở vùng rừng U Minh, đất xám trên phù sa cổ ở cực Bắc của Đồng bằng sông Cửu Long và đất đồi núi ở phía tây bắc đồng bằng sông Cửu Long.
Đất trồng lúa ĐBSCL sẽ thay đổi dưới 3 tác động chính gồm họat động nông nghiệp của con người, việc xây dựng các đập thủy điện thượng nguồn và biến đổi khí hậu.
Hoạt động nông nghiệp của con người
Năm 1975, vùng ĐBSCL với tổng diện tích tự nhiên là 3,97 triệu ha chỉ canh tác 2,039 triệu ha lúa, phần lớn là lúa mùa và 26,9% lúa cao sản, tổng sản lượng lúa đạt 5,141 triệu tấn. Sau những cố gắng cải thiện chất lượng đất, nước và những giải pháp khác được áp dụng từ các chương trình của Chính phủ, của các tỉnh ĐBSCL và quốc tế, đến năm 2009, diện tích SX nông nghiệp lên đến 2,60 triệu ha (chiếm 65% diện tích ĐBSCL).
Vấn đề chung cho tất cả các vùng là có chung những tác hại sinh học như rầy nâu, vàng lùn, đạo ôn, sọc trong… Do đó lai tạo giống lúa kháng các tác hại này là mục tiêu chung cho tất cả các vùng sinh thái, dù mỗi vùng có thể có những mức độ khó khăn khác nhau của từng tác hại và thứ tự khó khăn của các tác hại khác nhau. Kế đến giống lúa phải chống chịu tác hại của mặn và khô hạn ngày càng trầm trọng thêm do biến đổi khí hậu và xây dựng thủy điện thượng nguồn.
|
Trong đó diện tích canh tác lúa tăng lên đến 2,34 triệu ha (trên 90% diện tích SX nông nghiệp), riêng lúa cao sản chiếm 83,17%, đạt sản lượng 21,2 triệu tấn (con số thống kê năm 2009). Các biện pháp thủy lợi, thau chua rửa phèn, ngăn mặn, ngăn lũ, làm cho các vùng đất khó khăn ở ĐBSCL đã giảm bớt mức độ khó khăn, ranh giới các vùng trở nên mờ nhạt, chồng lấn hơn trước, trong đó xu thế đất lúa chủ động nước 2 - 3 vụ lúa tăng lên.
Nhờ các giải pháp tổng hợp được áp dụng, đặc biệt là giải pháp sử dụng nguồn nước sông Mê Kông để cải thiện chất lượng đất, cung cấp nước cho phát triển nông nghiệp, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, với lượng xuất khẩu đỉnh cao hơn 6,7 triệu tấn vào năm 2010.
Tác động do đập thủy điện thượng nguồn ở Trung Quốc, Lào
Chỉ với các đập Cảnh Loan, Tiểu Loan ở Trung Quốc, theo TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông đổ về Việt Nam đang có xu thế giảm dần, mực nước lũ năm 2010 thấp hơn 10 năm trước 2,4 m. Chất lượng nước đang xấu đi, lượng phù sa giảm và ô nhiễm tăng. Động thái nước cũng thay đổi theo hướng đầu mùa lũ về chậm, cuối mùa lũ lại về muộn.
Nếu các đập ở Lào được xây dựng tiếp thì tình hình càng thêm trầm trọng. Hệ quả này sẽ tác động rất lớn tới tài nguyên đất ĐBSCL (TS Lê Phát Quới). Thứ nhất, ĐBSCL sẽ thiếu dưỡng chất từ phù sa để cung cấp cho đất, nhất là những vùng đất xám bạc màu, đất phù sa canh tác 3 vụ vốn đã kém dưỡng chất, khiến đất ngày càng thoái hóa.
2 vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là vạt đất chạy dài giáp biên giới Campuchia thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, vì đây là vùng đất xám dễ bị bạc màu; và vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau do ảnh hưởng xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào nội đồng.
Thứ hai, thiếu nguồn nước từ sông Mê Kông trong mùa khô và đầu mùa mưa sẽ khiến gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn từ biển vào sông, kênh rạch và nội đồng, mở rộng diện tích đất nhiễm mặn. Cuối cùng, ĐBSCL sẽ không đủ nguồn nước để ém phèn, nhất là vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và một phần tây nam sông Hậu, gây ra hiện tượng phèn hoá đất, thiệt hại cho canh tác nông nghiệp.
Trong mùa khô diện tích nhiễm mặn đã lên đến 50% diện tích trồng lúa ở ĐBSCL. Khoảng 500.000 ha lúa ở ĐBSCL đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới trong vụ ĐX 2010 - 2011 và hơn 100.000 ha lúa có nguy cơ bị nước mặn xâm nhập nặng nề, chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre và Hậu Giang.
Tác động do biến đổi khí hậu
Các mô hình dự báo tác động của biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL cho thấy xu thế lũ trong giai đọan 2030-2040 sẽ khác đi so với hiện nay: Diện tích vùng ĐBSCL bị ngập sẽ mở rộng hơn về phía Bạc Liêu - Cà Mau nhưng số ngày chịu ngập các tỉnh đầu nguồn giảm; nhiệt độ gia tăng, lượng mưa giảm, diện tích lũ mở rộng và nước biển dâng cao (TS. Lê Anh Tuấn).
Điều này làm biến đổi sâu sắc các hệ sinh thái trồng lúa theo hướng xấu đi: Suy thoái độ phì do ít lũ và phù sa đầu nguồn, tăng nhiễm mặn và ngập úng hạ lưu. Như vậy biến đổi khí hậu cùng với đập thủy điện đầu nguồn là hai nguyên nhân chính làm suy thoái độ phì, tăng diện tích ngập lũ nhiễm mặn ở hạ nguồn, tăng nguy cơ hạn hán do thiếu mưa, ít lũ và nhiệt độ cao.
MỤC TIÊU LAI TẠO GIỐNG LÚA
Vùng phèn ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã được cải tạo nhiều nhờ biện pháp thủy lợi và canh tác, giảm đi rất nhiều độc tố sắt nhôm, pH tăng lên. Vụ ĐX nhiều vùng lúa trong rốn phèn Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên dễ dàng đạt năng suất 6 - 7 tấn/ha. Diện tích đất phèn nặng đã giảm đi rất nhiều, tuy chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng chắc chắn giảm nhiều so với con số của thập niên 80 thế kỷ trước. Do đó vấn đề của đất phèn nội địa hiện giờ là mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu các nguyên tố kiềm (Ca, Mg), thiếu P, Zn.
Vùng đất nhiễm mặn (phèn) ở bán đảo Cà Mau, ven biển và vùng ven sông Cửu Long ở hạ lưu, ước tính hơn 1,4 triệu ha đã và ngày càng trở thành khó khăn chính cho ĐBSCL do tác động kép nước biển dâng bởi biến đổi khí hậu và thiếu nước do đập thủy điện thượng nguồn. Đất mặn tác hại đến lúa do nhiều nhân tố ngoài độ mặn như tình trạng nhiễm phèn sắt nhôm, ngộ độc hữu cơ, thiếu P và Zn. Do đó lai tạo giống lúa chống chịu mặn phải chiếm trọng tâm trong các chương trình lai tạo lúa cho các vùng khó khăn ở ĐBSCL.
Ngoài các tác hại phi sinh học, ĐBSCL còn chịu ảnh hưởng của các tác hại sinh học. Thâm canh tăng vụ liên tục, độc canh cây lúa, lạm dụng thuốc trừ sâu đã làm cho một số đối tượng sâu bệnh hại trở nên trầm trọng, thường thay đổi nòi dạng sinh học, tăng độc tính, gây ra những trận dịch lớn. Nguy cơ hàng đầu là rầy nâu và các bệnh virus do rầy nâu truyền (vàng lùn), kế đến là bệnh đạo ôn.
Tóm lại vấn đề khó khăn chính trong hiện tại và tương lai của ĐBSCL là tác hại mặn phèn và dịch rầy nâu, vàng lùn, đạo ôn. Nhận định xu hướng thay đổi của vùng đất khó khăn ở ĐBSCL, nhà lai tạo giống lúa cần nhận định những mục tiêu nào, những tính trạng nào là luôn luôn cần thiết, những mục tiêu nào sẽ sẽ phát sinh.
Ngày 13/1/2014 - Theo Nông nghiệp Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét