Trang

17/1/14

Phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh tại họp mặt trí thức mừng xuân

10:26 AM, 16-01-2014

Nhân buổi họp mặt trí thức mừng xuân Giáp Ngọ - 2014, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan đã có bài phát biểu ghi nhận những đóng góp của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời tôn vinh các nhà khoa học đã có những cống hiến cho đất nước nói chung và cho tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Cổng Thông tin điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu trên.
Giờ phút này, tôi thật hạnh phúc khi được đứng giữa đông đảo đội ngũ trí thức, các nhà khoa học tỉnh nhà, những người đã, đang và sẽ góp phần đưa địa phương đi vào nền kinh tế tri thức, xã hội tri thức. Thay mặt lãnh đạo Tỉnh, và với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả những người trí thức có mặt hôm nay, và qua quý vị xin gửi đến gia đình lời chúc một năm hạnh phúc và nhiều thành công trong cuộc sống.
Thưa tất cả quý vị!
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, sự tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà có chậm lại, song nhìn chung Đồng Tháp vẫn có những bước tiến trong tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, cải cách hành chính. Những bước tiến đó luôn có mặt đội ngũ trí thức tỉnh nhà, những người đang đứng trên giảng đường, đang công tác trong các cơ quan quản lý nhà nước, trong các tổ chức nghiên cứu khoa học, các ngành giáo dục, y tế và những ngành quan trọng khác đã góp phần đưa hình ảnh Đồng Tháp sen hồng đến các vùng miền của đất nước và cả ở nước ngoài.
Ông Lê Minh Hoan: những bước tiến của tỉnh luôn có mặt đội ngũ trí thức
Có thể nói, trong những năm qua, đội ngũ trí thức tỉnh nhà đã đem hết tài năng, trí tuệ đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, lực lượng trí thức có những đóng góp quan trọng vào các dự án, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đặc biệt là việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; tập trung phục vụ chương trình nông nghiệp, nông dân và nông thôn, từng bước phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ trí thức trong các trường Đại học, Cao đẳng đã dày công đào tạo, vun đắp cho nguồn nhân lực lớn phục vụ sự công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà.
Thay mặt lãnh đạo Tỉnh và với tình cảm cá nhân, tôi bày tỏ lòng tri ân đối với sự đóng góp đầy tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn, bầu nhiệt huyết của đội ngũ trí thức tỉnh nhà, vì một quê hương còn nhiều gian khó, thoát khỏi lời nguyền "khuất nẻo", đưa Đồng Tháp sánh vai cùng các địa phương khác đi vào kỷ nguyên tri thức.
Thưa các đồng chí, quý vị trí thức!
Lê Quý đôn - nhà chính trị, văn hoá kiêm toàn, nhà bác học lỗi lạc ở thế kỷ 18, người đỗ trạng nguyên lúc 18 tuổi, đỗ bảng nhãn năm 27 tuổi, và đặc biệt có trí nhớ được truyền tụng như một huyền thoại, đã tổng kết và đề ra bốn nguyên lý trị nước, có giá trị vĩnh hằng cho hầu hết mọi quốc gia, đó là: "Phi nông bất ổn - Phi công bất phú - Phi thương bất hoạt - Phi trí bất hưng"; đặc biệt, để nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của nguyên lý thứ tư, ông còn nêu ra một khảo dị: ‘Phi trí tắc vong". Điều đó có nghĩa là: không có trí thức, không có hiền tài, hoặc không biết sử dụng trí thức, hiền tài, thì chắc chắn là mất nước, chứ không chỉ đơn giản là đất nước không hưng thịnh. Điều đó Lê Quý Đôn đặt ra cách đây 300 năm, nhưng soi lại càng có ý nghĩa hơn trong thời đại mà sự cạnh tranh giữa các quốc gia, địa phương không còn dựa vào tài nguyên thiên nhiên, dựa vào nguồn nhân công giá rẻ, mà cạnh tranh dựa vào sức mạnh của tri thức.
Nhân dịp này, tôi xin chia sẻ thêm một vài cảm nhận cá nhân trong quá trình tiếp cận những thông tin mới.
Thưa các đồng chí, thưa quý vị đại biểu!
Xem xét suốt chiều dài lịch sử, người ta cho rằng người trí thức chỉ thành hình khi có đủ hai quá trình:
Quá trình tích luỹ tri thức: Người trí thức cần phải tích luỹ tri thức liên tục, tích lũy trong mọi hoàn cảnh, trước hết phải tích lũy thật sâu tri thức thuộc một lĩnh vực chuyên biệt nào đó. Khi đã đạt đến một mức nào đó, nhà trí thức tương lai có thể thi lấy một tấm bằng (tiến sỹ chẳng hạn), hoặc chẳng cần mảnh bằng nào hết. Sau đó, dần dần phải tìm hiểu được các quy luật phổ biến và vĩnh hằng đang chi phối cuộc sống nhân loại. Nhờ việc hiểu rõ một số quy luật, người trí thức mở rộng sự hiểu biết của mình sang các lĩnh vực khác ngoài chuyên môn. Quá trình đào sâu và mở rộng tri thức cũng vẫn là quá trình tích lũy, nhưng ở trình độ cao hơn, nhiều sáng tạo hơn. Quá trình này đối với một nhà trí thức là không có điểm kết, không được phép dừng lại sau khi đã đạt đến một học vị, một bằng cấp nào đó.
Quá trình chia sẻ trí thức: Người trí thức phải chia sẻ kiến thức của mình đã tích luỹ, qua đó đóng góp nhiều hơn và tốt hơn cho cuộc sống hiện tại. Người trí thức không đơn thuần là nâng cao chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình, mà hơn hết, thước đo nhân cách của nhà trí thức là mang lại hạnh phúc cho cộng đồng xã hội. Quá trình chia sẻ của trí thức có thể ở bục giảng hay trong các phòng thí nghiệm, trong các cuộc hội thảo khoa học. Nhà trí thức sẽ hoá thân thành trung tâm trí tuệ để tích thu tri thức cộng đồng. Nhà trí thức lúc đó không còn là một cái tôi bé nhỏ. Họ trở thành các trung tâm trí tuệ không ngừng mở rộng, không ngừng thu nạp thêm tri thức mới, không ngừng toả sáng truyền bá hiểu biết đến những góc khuất của cuộc sống.
Thưa quý đại biểu!
Ngày nay, khi khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, loài người đang bước vào thời đại kinh tế tri thức; trí tuệ, năng lực sáng tạo của con người trở thành nguồn lực quan trọng nhất quyết định hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, của mỗi địa phương thì vai trò của đội ngũ trí thức lại càng quan trọng và có tính quyết định.
Xã hội hiện đại là xã hội tri thức, và tri thức nhân loại thì tăng với cấp số nhân. Những thay đổi về kiến thức diễn ra trong thời đại toàn cầu hoá, thời đại của khoa học công nghệ và kỷ nguyên xa lộ thông tin. Do đó, người trí thức không nên tự bằng lòng về những kiến thức đã có mà cần phải tiếp cận kho tàng tri thức mới.
Thời đại tri thức, nhiều quan niệm, khái niệm thay đổi và xuất hiện mới. Những vấn đề về chính trị, hành chính, kinh tế, khu vực tư, pháp lý, xã hội học, văn hoá dân tộc và sự dung hoà các nền văn hoá khác nhau, vấn đề quốc gia, dân tộc, quản trị công... đòi hỏi có cách tiếp cận mới. Tự bằng lòng, tự chấp nhận với bản thân làm ngáng đường đi tới không chỉ riêng người trí thức, của người lãnh đạo mà cho cả xã hội.
Khái niệm “nền kinh tế tri thức” được nhắc đến nhiều trong các năm qua dưới những cách diễn đạt khác nhau, nhưng quan điểm thông thường cho rằng nền kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó “sự sản sinh, truyền bá và sử dụng tri thức” trở thành yếu tố quyết định nhất giúp phát triển kinh tế và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống. Nền kinh tế tri thức “là nền kinh tế sử dụng hiệu quả tri thức cho sự phát triển kinh tế và xã hội, bao gồm việc thu nhận và khai thác nguồn tri thức toàn cầu cũng như thích ứng và sáng tạo tri thức để dùng cho các nhu cầu riêng”; “Là nền kinh tế dựa trực tiếp vào việc tạo ra, phân phối và sử dụng tri thức và thông tin.” Các cách hiểu trên có thể dẫn đến một kết luận rằng muốn xây dựng một nền kinh tế tri thức thì cần phải có nhiều tri thức, nhiều người sáng tạo, sở hữu và truyền bá tri thức, hoặc đơn giản phải có nhiều người lao động trí óc, trong đó có nhiều nhà trí thức.
Nếu như người lãnh đạo, người trí thức cùng nhận thức sai về nền kinh tế trí thức, nếu chỉ ưa các mỹ từ, không nhìn sâu vào quá trình chuyển đổi, nhất định sẽ còn chìm lâu trong sự trì trệ, càng ngày càng tụt hậu trong dòng chảy toàn cầu hoá.
Thưa tất cả quý vị!
Nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức, nhà khoa học phát triển nhanh về số lượng cũng như chất lượng, phẩm chất chính trị, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách và kinh phí để đào tạo và phát huy năng lực của cán bộ khoa học kỹ thuật tỉnh nhà.
Tỉnh đã tăng cường sự hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của các nhà khoa học quê hương Đồng Tháp và các nhà khoa học đã từng gắn bó trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh nhà. Sự hợp tác hỗ trợ của các cơ quan nghiên cứu, đào tạo như: trường Đại học Cần Thơ, Đại học Y dược Cần Thơ, Đại học Quốc gia, Đại học Mở, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện cây ăn quả miền Nam… và sự đóng góp của các nhà khoa học cũng như các tổ chức này đối với Đồng Tháp là rất thiết thực và quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Buổi họp mặt hôm nay vừa có ý nghĩa điểm lại những đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh vừa để tôn vinh các nhà khoa học đã có những cống hiến cho đất nước nói chung và cho tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Đây không phải là buổi hội thảo khoa học nhưng với tinh thần khoa học và tình cảm đối với quê hương, chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến quý báu của đội ngũ trí thức về sự phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh nhà. Những ý kiến phát biểu của quý đại biểu tại cuộc họp mặt này, Lãnh đạo Tỉnh sẽ nghiên cứu, chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng các đề án, chương trình cụ thể để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Để kết thúc mấy dòng suy nghĩ tản mạn như trên, tôi xin được trích một câu nói của Nguyễn Trường Tộ, người nổi tiếng với các bản điều trần với triều đình nhằm góp phần kiến tạo đất nước hưng thịnh, đó là: "Mấy chục năm nay tôi bôn ba trong thiên hạ, thu thập những tình thế biến đổi xưa nay, đem những điều đã học trong sách nghiệm ra việc đời. Đã trao đổi với ai một lời nói, một câu chuyện thì thâm tâm tôi cũng có ý muốn thu lấy sự hiểu biết của người làm của mình".
Cuối cùng, trong tiết trời se lạnh của những ngày giáp Tết cổ truyền của dân tộc, thay mặt Tỉnh ủy và UBND tỉnh, tôi gửi đến quý đại biểu, đội ngũ trí thức, các nhà khoa học lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt, một năm với "niềm tin mới, khát vọng mới, sáng tạo mới".
Trân trọng kính chào!
Lê Minh Hoan
Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét