Cập nhật ngày: 08/01/2014 12:45:04
Càng gần Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, không khí chuẩn bị tại các vùng sản xuất sản phẩm đặc trưng của tỉnh càng nhộn nhịp. Thời điểm này, có dịp ghé thăm các vùng sản xuất hoa kiểng, làng nghề bánh tráng, khô, vườn cây ăn trái, nuôi gia súc... sẽ thấy được không khí nhộn nhịp chuẩn bị hàng Tết của người dân nơi đây
Hiện thương lái từ các nơi đã tìm về Lai Vung để mua quýt hồng đặc sản
Quýt hồng (Lai Vung) vốn nổi tiếng từ xưa với sản phẩm chất lượng, thơm ngon. Quýt hồng Lai Vung nổi tiếng một phần là nhờ khí hậu và thổ nhưỡng thích nghi giúp cho cây trái sum sê, chất lượng thơm ngon ít nơi nào bì kịp. Đến các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành... những ngày này, nơi nào cũng thấy cây trĩu quả, no tròn và mọng nước. Mặc dù còn hai tuần nữa mới tới kỳ hái trái, nhưng các chủ vườn đã rộn ràng chuẩn bị thùng mốp, bao bì để bảo đảm an toàn chất lượng sau khi thu hoạch. Các thương lái cũng bắt đầu hợp đồng với giá trội hơn năm rồi khiến các chủ vườn tràn đầy phấn khởi. Ông Phạm Văn Lắm - chủ một vườn quýt lâu năm ở xã Long Hậu cho biết, tuy năm nay sản lượng thua năm rồi chút ít nhưng bù lại quýt năm nay chất lượng tốt hơn, giá cả ổn định hơn năm rồi. Thị trường quýt Tết cũng đang bắt đầu khởi động với chiều hướng thuận lợi nên gia đình ông hy vọng sẽ được một mùa bội thu.
Càng gần Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, người làm bánh tráng ở xã Tân Phước (huyện Lai Vung) càng tất bật để kịp giao hàng cho khách. Từ hơn 3 giờ sáng, các lò tráng bánh đã bắt đầu công việc. Mỗi người một việc, đốt lò, pha bột, tráng bánh, phơi bánh. Dịp Tết này, xã Tân Phước có hơn 50 lò bánh tráng hoạt động. Bà Trần Thị Hương (ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước) - một trong những người làm nghề lâu năm cho biết: “Gần một tháng nay, gia đình đã phải tăng công suất làm bánh tráng từ 1 thiên bánh (1.000 cái) lên 2 thiên bánh mỗi ngày. Để kịp giao hàng, ngoài 3 người làm chính trong gia đình, tôi phải thuê thêm 3 nhân công và phải làm liên tục đến tận 28 Tết mới được nghỉ. Bánh tráng ở đây chủ yếu là bánh ngọt, giá trung bình từ 12-13 ngàn đồng/chục, tùy loại lớn nhỏ.
Khá nhộn nhịp là không khí chuẩn bị Tết ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông với mặt hàng khô cá lóc. Ở đây, khô cá lóc được biết đến như một đặc sản nổi tiếng với chất lượng và mùi vị độc đáo. Thời điểm này, không khí chuẩn bị hàng tết nhộn nhịp hẳn lên với hàng chục hộ dân tất bật làm sản phẩm. Tết này, Công ty cổ phần Tứ Quý (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông) chuẩn bị hai mặt hàng khô cá lóc và khô cá sặc rằn để cung ứng cho thị trường, tăng khoảng 10% so với ngày thường. Ông Nguyễn Tấn Cường - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tứ Quý cho biết, thời điểm cận Tết có nhiều đại lý ở TP.Hồ Chí Minh và các huyện, thị trong tỉnh đến đặt hàng nhưng do số lượng máy tại cơ sở còn hạn chế nên sản xuất vẫn như mọi ngày là 500kg cá tươi (cho ra 140kg khô thành phẩm). Hiện tại, có một số khách hàng từ các nơi đến đặt hàng với số lượng lớn nhưng cơ sở không dám nhận vì sợ không đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng.
Tại xã Phú Long, huyện Châu Thành nơi tập trung nhiều hộ nuôi heo, sau thời gian giá heo giảm mạnh, số lượng đàn heo nơi đây sụt giảm, nhưng thời gian gần đây, khi heo bắt đầu có giá trở lại thì những hộ chăn nuôi “kỳ cựu” nơi đây cũng nhanh chóng tái đàn để kịp cung ứng nguồn hàng cho người tiêu dùng trong những ngày Tết. Ông Ngô Phi Dũng - Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi heo Phú Bình (xã Phú Long, huyện Châu Thành) cho biết: Năm nay, nhờ ký được hợp đồng cung ứng với Công ty Vissan (TPHCM) 20.000 con heo thương phẩm nên đầu ra sản phẩm cũng như giá cả đã ổn định, người chăn nuôi phấn khởi. Theo ông Dũng, dịp Tết này bà con trong Hợp tác xã sẽ cung ứng 480 con theo hợp đồng.
Mỹ Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét