8:35 AM, 02-01-2014
Nền kinh tế lại tiếp tục trải qua một năm đầy biến động và đã có không ít doanh nghiệp rời bỏ “cuộc chơi” đầy cam go và thử thách này. Dù vậy, có những doanh nghiệp vẫn “ăn nên làm ra” và trở thành điểm sáng của nền kinh tế với những bước đi vững chắc trên thương trường và tạo ra những sản phẩm mới lạ, đặc trưng, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2013 ước tăng 8,25%.
Thành công từ chất lượng
Có mặt trên thị trường từ năm 1960 đến nay, thương hiệu Sa Giang luôn được người tiêu dùng tín nhiệm bởi chính chất lượng của những sản phẩm đã làm tên tuổi cho công ty như: bún gạo, hủ tiếu, phở ăn liền, bánh phồng tôm v.v..
Trong khi các doanh nghiệp khác đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm hoặc ngưng trệ sản xuất thì năm 2013 lại là mốc son đánh dấu bước tiến lớn đối với Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang khi các chỉ tiêu sản xuất đều đạt và vượt kế hoạch đề ra với sản lượng gần 5.300 tấn, doanh thu đạt 200 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 22 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.
Một công đoạn sản xuất bánh phồng tôm
của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang
của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang
Với sản lượng 800 tấn/năm, bánh phồng tôm Sa Giang chiếm thị phần số 1 tại Việt Nam và công ty cũng là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu chất lượng hàng đầu. Hiện sản phẩm bánh phồng tôm của Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang đã có mặt tại các siêu thị lớn trong nước như: Coopmart, Big C, Metro, Citimart, Maximart và xuất khẩu sang Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Malaysia, Ấn Độ, Nam Phi v.v. đồng thời cũng được tín nhiệm, bình chọn là sản phẩm tiêu biểu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lọt vào Top 50 Đặc sản Quà tặng Việt Nam.
Đạt được thành công như vậy không có nghĩa con đường phát triển của Sa Giang bằng phẳng hơn những doanh nghiệp khác mà chính từ sự quyết tâm của lãnh đạo và toàn thể công nhân công ty, đặc biệt là người “đứng mũi chịu sào”: ông Phạm Hữu Quá.
Là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang, ông Phạm Hữu Quá luôn lấy chất lượng sản phẩm làm nền tảng, xem đây là yếu tố sống còn, quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Ông chia sẻ: “trong điều kiện khó khăn, sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường thì vấn đề đặt ra là làm sao giữ ổn định chất lượng của sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tạo được lòng tin với người tiêu dùng”. Chính vì thế mà những sản phẩm do công ty làm ra đều được kiểm duyệt gắt gao trước khi đến tay người tiêu dùng.
Ông Phạm Hữu Quá theo dõi sát sao quá trình sản xuất
để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng
để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng
Thấy được khâu tiêu thụ là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại của doanh nghiệp nên ông Phạm Hữu Quá đã mạnh dạn tháp tùng cùng lãnh đạo tỉnh để tìm kiếm thị trường, đối tác mới. Nhờ sự năng động này mà khi thị trường xuất khẩu co cụm, hoạt động của công ty vẫn giữ ổn định.
Hiện tại, sản phẩm của Sa Giang đã có mặt tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài châu Âu là thị trường truyền thống, Sa Giang còn tìm được thêm nhiều thị trường mới ở các nước như: Nepan, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc v.v..
Cái “tầm” của nhà lãnh đạo còn thể hiện rõ nét ở những bước đột phá trong sản xuất. “Đã đến lúc phải phát triển công nghệ, đổi mới trang thiết bị để tạo nên hướng đi mới cho công ty” – ông Quá thể hiện quyết tâm. Chính từ suy nghĩ này mà trong năm 2014, một dây chuyền sản xuất hiện đại sẽ được trang bị để rút ngắn quy trình cũng như thời gian của một số công đoạn, làm tăng năng suất lao động, hạ giá thành và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Không chỉ là doanh nghiệp mạnh, Sa Giang còn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Hằng năm, công ty đều dành ra khoảng 500 triệu đồng để làm công tác xã hội như: chăm sóc, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ trẻ em nghèo tiếp tục đến trường, chăm lo cho con em công nhân v.v..
Vừa kinh doanh giỏi, vừa có tấm lòng thiện nguyện, ông Phạm Hữu Quá được bình chọn là doanh nhân tiêu biểu của tỉnh, đồng thời cũng là doanh nhân tiêu biểu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dưới sự dìu dắt của ông Quá, công ty cũng nhận được nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương lao động hạng nhì do Chủ tịch nước trao tặng, giải thưởng Sao Vàng Đất Việt năm 2013 v.v..
Hành trình đi tìm cái mới
Với những cánh đồng sen bạt ngàn đã đi vào thơ ca, Đồng Tháp được mệnh danh là xứ sở của sen. Thế nhưng bao đời nay, người dân chỉ sản xuất và khai thác theo kiểu truyền thống mà không biết rằng, cây sen còn có giá trị kinh tế cao hơn nhiều.
“Trong khi Phú Quốc có rượu sim, Đà Lạt có rượu Vang, Bến Tre có rượu dừa thì tại sao Đồng Tháp không có một loại rượu đặc trưng từ cây sen” – ông Lê Tấn Phong, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư – Thương mại – Du lịch Đồng Tháp Mười tự đặt câu hỏi.
Ông Lê Tấn Phong tâm huyết với những “đứa con tinh thần” từ sen
Và cũng từ suy nghĩ đó đã thôi thúc ông Lê Tấn Phong đi vào nghiên cứu, tìm hiểu để tạo nên sản phẩm Hồng Sen Tửu mang hương vị đặc trưng của xứ sở sen hồng; trở thành đơn vị đầu tiên và duy nhất của tỉnh sản xuất loại sản phẩm này.
Hồng Sen Tửu được chiết xuất từ hạt sen, tim sen, củ sen, nếp, men bột sen vừa đủ, đồng thời được nấu, ủ với công nghệ gia truyền trong thời gian 06 tháng nên mang hương vị rất riêng. Mỗi năm, công ty cung cấp cho thị trường khoảng 40.000 lít rượu và được người tiêu dùng rất ưa chuộng, đặc biệt là đối với khách du lịch khi đặt chân đến Đồng Tháp.
Khi đã thành công với rượu sen, vị Giám đốc này lại tiếp tục dò dẫm trên con đường tìm ra giá trị thực của cây sen với sản phẩm hạt sen sấy. Những hạt sen tươi ngon được lựa chọn kỹ lưỡng, qua quy trình khép kín sấy và đóng gói hút chân không, đảm bảo nguyên vẹn hương vị đặc trưng và thành phần dinh dưỡng của hạt sen.
Các sản phẩm này được người tiêu dùng trong khắp cả nước đón nhận nhiệt tình, đặc biệt là thị trường TP HCM thông qua ký kết hợp đồng tiêu thụ với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Coopmart, Citimart hay tại các khu, điểm du lịch và chuỗi cửa hàng đặc sản Đồng Tháp.
Với mục tiêu đưa các sản phẩm mang đậm hồn quê vươn ra thị trường thế giới, công ty đã cùng lãnh đạo tỉnh đi xúc tiến thương mại tại thị trường Lào, Campuchia. Trước kết quả bước đầu đáng phấn khởi, công ty sẽ mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại trong sản xuất, điển hình như ứng dụng công nghệ sấy lạnh thăng hoa của TP HCM để sản xuất sen sấy, mở rộng hầm rượu để tăng quy mô sản xuất và tạo điều kiện cho khách du lịch tham quan quy trình sản xuất – ông Lê Tấn Phong dự tính.
Với những sản phẩm đặc trưng trên, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang và Công ty Cổ phần Đầu tư – Thương mại – Du lịch Đồng Tháp Mười xứng đáng được vinh danh là những sản phẩm tiêu biểu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có sản phẩm mới ra đời, có sản phẩm đã tạo dựng được thương hiệu cách đây vài chục năm nhưng tất cả đều tạo dựng nên thương hiệu của Đồng Tháp, làm rạng danh xứ sở sen hồng.
Như Ý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét