KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ NHẤT
Mô
hình Cánh đồng mẫu lớn “small farmer, large field” của Việt Nam được
Hội nghị quốc tế về di truyền cây lúa lần thứ 7 quy tụ 700 nhà khoa học
của 39 quốc gia tổ chức tại Philippines đầu tháng 11/2013 quan tâm, bởi
theo Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI, năng suất lúa trên thế giới đang
có xu hướng đứng lại và nghề trồng lúa đang đứng trước 3 thử thách: Đất
trồng lúa mất dần, người trồng lúa giảm dần và nước tưới cho lúa thiếu.
Nhận
định của TS Robert Ziegler, Tổng Giám đốc IRRI phần nào tương đồng với
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân: “Hơn 20 năm qua, kinh tế nông nghiệp
VN nói chung và ĐBSCL nói riêng phát triển theo chiều rộng, khai thác
tối đa lợi thế về tài nguyên, lao động và các động lực đó đang dần cạn
kiệt”.
Cùng
với đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, nông nghiệp
ĐBSCL vẫn có thể phát triển mạnh mẽ nếu như có tác động của khoa học và
công nghệ đúng vào những chỗ cần thiết nhất.
Chuẩn bị mạ cho máy cấy, công việc lạ lẫm này sẽ phổ biến ở ĐBSCL
trong vài ba năm tới?
SẤY VÀ BẢO QUẢN LÚA - ĐIỂM YẾU NHẤT CÓ THỂ ĐỘT PHÁ
Ông
Phan Văn Năm, Phó phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ cho biết:
Cái khó nhất hiện nay là nhà nông thì yêu cầu bán lúa tươi tại ruộng,
trong lúc các doanh nghiệp chỉ muốn mua lúa khô tại nhà máy. Mâu thuẫn
đấy là nguyên nhân lớn nhất làm chậm chạp chương trình “cánh đồng mẫu
lớn” đang được cả nhà nước và nông dân kỳ vọng. Mặc dù rất quyết tâm
nhưng cánh đồng mẫu lớn của huyện Vĩnh Thạnh chỉ rộng 2.500 ha trong
tổng số 25.299 ha trồng lúa của huyện, trong đó mới khoảng phân nửa là
có bao tiêu.
Sau
3 năm từ ngày Bộ NN-PTNT phát động cánh đồng mẫu lớn, An Giang và Đồng
Tháp là 2 tỉnh có phong trào mạnh nhất nhưng sản lượng lúa được doanh
nghiệp tiêu thụ theo hợp đồng chỉ khoảng 5% (An Giang) và 3% (Đồng
Tháp). Ở 2 tỉnh này, nguyên nhân lớn cản trở doanh nghiệp mua lúa cho
dân theo hợp đồng cũng chính là mâu thuẫn trên.
Theo
TS Phạm Văn Tấn, Viện Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT), nhờ áp dụng
máy gặt đập liên hợp (GĐLH) và một số tiến bộ khác trong xay xát, nên
tổn thất sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL đã giảm từ 16% xuống còn 13,7%. Tỷ lệ
này mặc dù đã được cải thiện nhưng so với các nước khác như Ấn Độ (6%),
Nhật Bản (4 - 5%) thì hãy còn rất cao. Với sản lượng lúa của ĐBSCL là
20 triệu T/năm thì sản lượng thất thoát lên đến 3 triệu T lúa, có giá
trị tới 13.700 tỷ đồng (tương đương 652 triệu USD).
Trong
các công đoạn sản xuất lúa từ làm đất, bơm nước, gieo sạ, thu hoạch,
sấy, bảo quản thì thất thoát khủng thuộc về sấy (4,2%) và bảo quản
(2,6%). Sự yếu kém của 2 công đoạn này còn đưa đến hậu quả gây nên thất
thoát 3% cho công đoạn xay xát mà theo các chuyên gia thì với thiết bị
hiện có, công đoạn này chỉ có thể gây thất thoát tối đa 2% nếu như trước
đó có sấy và bảo quản tốt.
Thiết
bị sấy hiện nay ở ĐBSCL chủ yếu là máy sấy tĩnh vỉ ngang có công suất
từ 5 - 50 T/mẻ. Với ưu điểm giá thành rẻ, chế tạo lắp ráp đơn giản,
không kén nguyên liệu đầu vào nên thiết bị này đang được các cơ sở dịch
vụ sấy đầu tư.
Tuy
nhiên tiên liệu rằng sức sống của máy sấy vỉ ngang sẽ không lâu bởi
những nhược điểm cố hữu như làm giảm chất lượng gạo, sử dụng nhiều lao
động và ô nhiễm môi trường. Ngoài máy sấy vỉ ngang còn các thiết bị sấy
khác như máy sấy tháp tuần hoàn, sấy vỉ đứng tuần hoàn cũng đang được
một số doanh nghiệp sử dụng nhưng chưa phổ biến vì giá cao.
Với
ưu thế công nghệ tuyệt đối, máy GĐLH của hãng Kubota (Nhật Bản) đang
thống soái ở ĐBSCL, bóp chết “không kịp ngáp” máy GĐLH Trung Quốc mà
trước đó đã có công mở thị trường. Máy sấy vỉ ngang hiện nay đang được
ví như máy GĐLH Trung Quốc sẽ mở đường cho các máy sấy khác có tính năng
kỹ thuật cao, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi máy GĐLH Trung Quốc đang
thời đỉnh cao đã lấp ló máy GĐLH Kubota, còn với sấy hiện nay lại chưa
thấy bóng dáng của máy nào và đấy là chỗ khoa học và công nghệ cần thúc
đẩy.
NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG LÚA GẠO
Với
bình quân ruộng đất thấp và trình độ khoa học như hiện nay thì trồng
lúa giống có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày không những là một lợi
thế của ĐBSCL mà đấy còn là phương án tối ưu để khai thác tài nguyên.
Nếu chỉ tính lợi nhuận trên một đơn vị diện tích Việt Nam thuộc loại tốp
đầu của thế giới. Nông dân bang IOWA, thủ phủ trồng ngô của Mỹ mỗi năm
cũng chỉ thu lợi 1.000 USD/ha, trong lúc mỗi ha lúa ĐBSCL làm 3 vụ cho
sản lượng 18 T thu về lợi nhuận 1.800 USD. So với các nước trồng lúa
nước khác như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ thì đấy vẫn là con số kỳ vọng
của họ.
Với
tiền đề như vậy nên mỗi năm chúng ta xuất khẩu 6 - 7 triệu T gạo nhưng
hầu hết đều xuất dưới dạng gạo trắng, không thương hiệu, giá trị không
cao. Mặc dù hiện nay ta vẫn có được những lô gạo bán được giá 900 -
1.000 USD/T nhưng số lượng những loại gạo ấy không nhiều.
TS Ngô Quang Vinh, phụ trách Viện KHKTNN Miền Nam ký hợp đồng bán bản quyền giống lúa VN 121 cho ông Hàng Phi Quang, TGĐ Cty CP Giống cây trồng miền Nam
Thời
gian tới, tiên lượng khai thác mạnh tài nguyên bằng giống lúa ngắn
ngày, năng suất cao vẫn tiếp tục. Tuy nhiên đã xuất hiện một vài điểm
sáng theo hướng nâng cao giá trị thông qua chế biến như việc chế biến
gạo đồ ở An Giang, hoặc nông dân ở xã Tân Hòa (Tân Thạnh, Long An) và xã
Phú Cường (Cai Lậy, Tiền Giang) đã bán được lúa giống IR 50404 có giá
cao bằng giá lúa chất lượng cao cho một đối tác xuất khẩu để họ chế biến
tiếp ở nước ngoài.
Gạo
GABA là một hướng tiếp cận mới mà Cty CP BVTV An Giang vừa mới cung ứng
cho thị trường và đã gặt hái được những thành công bước đầu. Gạo GABA
là một phát minh của người Nhật chuyên dành cho bệnh nhân tiểu đường,
cao huyết áp, mỡ máu, béo phì nhờ vào hàm lượng cao của Gamma
Aminobutyric Acid. Gạo GABA hay còn gọi là gạo mầm được sản xuất từ gạo
nguyên phôi no nước (ngâm nước khoảng 22 giờ) để cho mầm mọc ra sau đó
sấy khô lại và nấu ăn như gạo bình thường. So với gạo lứt, hàm lượng
Gamma Aminobutyric Acid trong gạo mầm cao hơn 10 lần.
Cũng
hướng đến thị trường ăn kiêng, công ty Hồ Quang - Sóc Trăng lại có cách
làm khác bằng sản phẩm gạo lứt giống gạo đỏ nhưng bên ngoài bao bì có
hướng dẫn chi tiết để cho người tiêu dùng có thể tự chế biến thành gạo
GABA.
Thị
trường gạo GABA, bánh GABA cả trong và ngoài nước được đánh giá rộng
lớn, nhất là Hoa Kỳ với 30% dân số bị bệnh béo phì và với giá cao gấp 5
lần so với gạo trắng như hiện nay đang khá hấp dẫn giới đầu tư. Tuy
nhiên để có chỗ đứng vững chắc thì cần có giống riêng cho loại gạo này
vì mầm càng to thì hàm lượng Gamma Aminobutyric Acid càng cao, chất
lượng gạo GABA càng tốt. Hiện chưa thấy đề tài nghiên cứu khoa học về
giống cho gạo GABA được đăng ký.
CHUYỂN GIEO TRỒNG TỪ HẠT SANG CÂY CON
Ngày
11/12, tại ruộng ông Trần Thiết Điền, ấp Thới Hòa A, xã Thới Xuân huyện
Cờ Đỏ, TP Cần Thơ chứng kiến có 2 thửa cách nhau một bờ nhỏ rộng 0,3 m.
Cả 2 thửa ruộng đều có tuổi lúa 25 ngày nhưng bên này cấy, còn bên kia
gieo thẳng.
Ở
ruộng gieo thẳng đã phải phun thuốc lần 2 vì bệnh đạo ôn và dòi đục lá
còn bên ruộng cấy chưa phát hiện bệnh gì và rất nhiều thiên địch như
nhện ăn thịt, bọ rùa. Ông Điền cho biết, nhà ông có 4,5 ha muốn cấy hết
trên toàn bộ diện tích nhưng không thể vì không có lao động.
Với
ông Điền và nhiều người trồng lúa khác ở ĐBSCL thì tác dụng tích cực
của việc cấy lúa trong việc giảm giá thành, nâng cao năng suất và bảo vệ
môi trường không còn xa lạ, nhưng hiện người trồng lúa vẫn chưa chuyển
đổi được ngặt vì thiếu lao động. Để cấy được 1 ha cần có 30 lao động cấy
trong 1 ngày, trong lúc để tránh né rầy, ngừa bệnh VL, LXL buộc phải
gieo sạ đồng loạt theo lịch thời vụ chặt chẽ nên lao động không thể “vần
công" đáp ứng.
Đi
trước tất thảy, ngày 8/12, công ty TNHH Sài Gòn Kim Hồng đã tổ chức
buổi trình diễn máy cấy trên diện tích 100 ha ở xã Phú Thành B, huyện
Tam Nông (Đồng Tháp). Hàng trăm nông dân đã được tận mắt chứng kiến và
không còn nghi ngờ gì khả năng cấy lên đến 3,5 ha/ngày với máy tự hành
và 1,5 ha/ngày với máy đẩy tay.
Cũng
trong buổi trình diễn này, nông dân còn được thấy công nghệ làm mạ
khay, chỉ với một dây chuyền nhỏ 3 người vận hành đi giày da, chủ yếu
nạp giá thể và chuyển khay mạ đã gieo xếp ra sân mà chỉ trong 1 giờ họ
đã gieo được lượng mạ đủ cấy cho 5 ha với lượng giống chỉ cần 38 kg/ha.
Sử
dụng máy cấy thì trở ngại về lao động đã được giải quyết, nhưng trước
mắt chỉ mới hấp dẫn được hộ, cơ sở chuyên sản xuất giống lúa, còn với
sản xuất lúa hàng hóa thông thường còn 2 trở ngại chính, một là mặt
ruộng không đủ bằng phẳng cho máy cấy hoạt động bình thường, hai là với
quy cách cấy của máy Nhật Bản và Hàn Quốc hiện nay chỉ thích hợp với
giống có thời gian sinh trưởng trên 100 ngày. Hai trở ngại trên sẽ được
khắc phục nếu có tác động của khoa học và công nghệ.
Trồng
rau, hoa bằng công nghệ gieo ươm cây con ở các tỉnh ĐBSCL cũng nên được
quan tâm về khoa học công nghệ. TS Ngô Quang Vinh, Viện KHNN Miền Nam
cho biết Viện vừa ký biên bản ghi nhớ với 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp
về việc chuyển giao công nghệ làm cây con cho rau Chợ Mới, An Giang và
vùng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp. Đây là công nghệ đã thành công ở Đà Lạt,
giúp biến người tiểu nông trồng rau hoa ở Đà Lạt trở nên chuyên nghiệp,
gián tiếp thúc đẩy giá đất nông nghiệp ở Đà Lạt, Đức Trọng lên đến trên
10 tỷ đồng/ha.
Ngày 3/1/2014
- Theo Nông nghiệp Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét