Theo đánh giá của UBND huyện
Châu Thành, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, nhưng với những nỗ lực
của địa phương, nông nghiệp huyện tiếp tục phát triển. Tốc độ tăng
trưởng trên lĩnh vực nông nghiệp năm 2013 ước đạt 4,36%, tỷ trọng khu
vực nông nghiệp chiếm 46,16% trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Nhãn - nông sản thế mạnh của huyện
Diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn
huyện khoảng 40.000ha, đạt 103% kế hoạch. Trong đó, diện tích gieo trồng
lúa cả năm gần 35 ngàn ha, đạt 101,5% kế hoạch năm, năng suất bình quân
3 vụ đạt 63 tạ/ha, đạt 110,1% kế hoạch. Sản lượng đạt 111,8% kế hoạch.
Trong cơ cấu giống, giống lúa chất lượng cao chỉ chiếm 2,8% diện tích
gieo trồng trong năm, riêng giống lúa IR50404 chiếm 97,2% diện tích.
Để sản xuất lúa của huyện đi vào chiều
sâu, huyện đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng cơ giới trong sản
xuất và thu hoạch. Diện tích lúa thu hoạch bằng máy cắt xếp dãy, máy
gặt đập liên hợp là gần 30 ngàn ha, chiếm 84,64% diện tích. Theo đánh
giá của ngành chuyên môn, mặc dù năng suất cao, nhưng do giá vật tư nông
nghiệp tăng, giá lúa vào vụ thu hoạch thường giảm nên lợi nhuận sản
xuất lúa năm 2013 không cao, dao động từ 2 - 10 triệu đồng/ha.
Trong khi đó, công tác sản xuất hoa màu
cây công nghiệp ngắn ngày lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa; khoai lang tím
Nhật lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa trong vụ hè thu là trên 136 triệu
đồng/ha.
Ông Trần Văn Bảnh ở xã Phú Long cho hay:
“Trong năm 2012, giá khoai lang tím giảm mạnh do cung vượt cầu. Thông
qua đó, năm nay người trồng biết cơ cấu thêm vào nhiều chủng loại khác
nhằm giảm áp lực. Vì thế, sản phẩm khoai lang tím không lần nào rớt giá,
người trồng khoai vô cùng phấn khởi”.
Riêng đối với thế mạnh cây ăn trái, nhãn
là một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện chiếm 3.714/6.470ha.
Thời gian qua, bệnh dịch chổi rồng đã ảnh hưởng đến năng suất cũng như
thu nhập. Tuy nhiên, qua công tác phòng trị đã khống chế được dịch bệnh.
Theo thống kê, tổng diện tích nhãn da bò đã phục hồi 2.600ha, chiếm
88,6% diện tích nhãn da bò hiện có. Hiện nay, diện tích nhãn đã ra bông
và đậu trái gần 2.500ha, chiếm 83,6% diện tích nhãn da bò còn lại.
Trong khi đó, ngành chăn nuôi của huyện
gặp nhiều khó khăn nhất là sản phẩm cá tra, giảm 71ha so cùng kỳ năm
2012. Riêng đàn heo người nông dân tận dụng bột cặn để chăn nuôi trong
khi giá bán có lúc dưới 40.000 đồng/kg, lợi nhuận thấp hơn giá thành
hoặc huề vốn.
Hợp tác xã nuôi heo Phú Bình đã ký hợp đồng tiêu thụ với
Công ty Vissan, mang lại cho ngành chăn nuôi hướng đi mới
Với những tiềm năng sẵn có, huyện đang
tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp và liên kết sản xuất với
doanh nghiệp là một trong những hướng đi tất yếu. Trong năm, UBND huyện
và các ngành huyện, các hợp tác xã, tổ hợp tác tổ chức nhiều hình thức
kết nối với các doanh nghiệp để liên kết tiêu thụ nông sản; ngành nông
nghiệp huyện cũng xây dựng một số mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ.
Thời gian qua, xuất hiện mô hình sản xuất
đậu nành kết hợp bao tiêu sản phẩm ở xã Tân Nhuận Đông với quy mô gần
40ha. Từ đầu vụ, thương lái đã hợp đồng tiêu thụ với các hộ sản xuất.
Sau khi thu hoạch, nông dân bán theo hợp đồng với giá cao hơn giá bên
ngoài là 400 đồng/kg, lợi nhuận tăng thêm 850.000 đồng/ha.
Riêng mô hình cánh đồng sản xuất lúa chất
lượng cao, gắn với tiêu thụ sản phẩm quy mô 68ha ở xã An Phú Thuận tuy
không có doanh nghiệp tham gia hợp đồng tiêu thụ từ đầu vụ, nhưng hợp
tác xã đã hợp đồng với thương lái bán giá cao hơn giá lúa IR 50404 là
450 đồng/kg, lợi nhuận tăng thêm gần 3 triệu đồng/ha. Đây là một trong
những cách làm mới của địa phương.
Thời gian qua, Hợp tác xã nuôi heo Phú
Bình (xã Phú Long) đã ký hợp đồng tiêu thụ heo với Công ty Vissan đã
mang lại cho ngành chăn nuôi hướng đi mới. Theo thống kê, số lượng heo
giao trong năm (từ tháng 9/2013 đến tháng 12/2013) là 20.000 con. Ông
Ngô Phi Dũng - Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi heo Phú Bình chia sẻ:
“Trong năm 2014, chúng tôi tiếp tục ký hợp đồng với doanh nghiệp là
20.000 con heo. Hiện chúng tôi ngày càng cải thiện quy trình nuôi. Với
việc liên kết này đã mang lại kết quả phấn khởi cho xã viên, người chăn
nuôi không lo đầu ra của sản phẩm”.
Ông Huỳnh Minh Phụng - Trưởng Phòng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho hay: “Thời gian qua,
việc liên kết sản xuất chỉ dừng lại giữa người nông dân với thương lái,
vì thế chưa có tính ràng buộc cao giữa 2 bên để liên kết bền vững.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác này để biến tiềm
năng của địa phương thành những kết quả thực và tiếp tục củng cố các hợp
tác xã để đáp ứng nhu cầu liên kết”.
K.D
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét